Trẻ bị viêm phổi nên ăn gì, kiêng gì? Một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể giúp trẻ nhanh hồi phục sức khỏe khi bị viêm phổi.
Viêm phổi ở trẻ là gì?
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm khuẩn phổi do nhiều nguyên nhân như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Trẻ cũng có thể bị viêm phổi do hít phải khí độc hoặc sặc hóa chất.
Cụ thể, các nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ có thể kể đến như:
- Ở trẻ dưới 5 tuổi: viêm phổi gây ra do phế cầu khuẩn, tụ cầu vàng, HIB, liên cầu khuẩn. Trong đó HIB có thể mắc phải do môi trường có vi khuẩn hoặc từ mẹ truyền sang khi mang thai.
- Ở trẻ trên 5 tuổi: viêm phổi gây ra do Influenza virus, Adenovirus, Mycoplasma pneumoniae,..
- Do sức đề kháng yếu: Hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn khá non nớt và chưa hoàn thiện, rất dễ bị tấn công bởi các yếu tố bên ngoài môi trường.
- Do môi trường sống kém vệ sinh, không khí ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ chực chờ tấn công trẻ.
Tầm quan trọng của chế độ ăn trong điều trị viêm phổi
Trong quá trình điều trị viêm phổi cho trẻ, bên cạnh việc thăm khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn cho trẻ bị viêm phổi cũng đóng góp rất lớn tới việc phục hồi sức khỏe của bệnh nhân.
Viêm phổi thường gây ra các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi khiến cơ thể mất sức và sụt cân nếu không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, bị kéo dài thời gian nằm viện điều trị. Việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cơ thể nhanh hồi phục tránh biến chứng sau này như suy dinh dưỡng, giảm đề kháng,…
Những điểm cần lưu ý khi cho trẻ ăn
Phụ huynh cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ, có thể làm thông mũi cho trẻ trước khi cho trẻ ăn bằng nước muối sinh lý nhỏ mũi.
Về chế độ ăn, nên cho trẻ ăn những loại thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu hóa. Nên cho trẻ ăn theo nhu cầu, nên chia làm nhiều bữa trong ngày và số lượng thức ăn mỗi bữa ít hơn bình thường. Ba mẹ không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn mà mình đã chuẩn bị. Nên đưa trẻ đi gặp bác sĩ nếu trẻ bú kém hoặc không thể uống được, kèm theo các dấu hiệu như mệt mỏi, thở nhanh, khó thở, co rút lồng ngực…
Trẻ bị viêm phổi nên ăn gì?
Trẻ dưới 1 tuổi bị viêm phổi nên ăn gì?
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi nếu không may mắc bệnh viêm phổi, phụ huynh không nên cân nhắc quá nhiều về vấn đề thực phẩm cho con, vì thức ăn chủ yếu của bé ở giai đoạn này là sữa. Do đó, dù bị viêm phổi bé cũng cần duy trì đủ lượng sữa, nên chia nhỏ lượng sữa ra thành nhiều bữa trong ngày.
Trẻ từ 6-12 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ có thể cho bé ăn thêm các loại thức ăn mềm và dễ tiêu hóa khác, đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất sau:
- Nhóm tinh bột: như gạo tẻ, gạo tám mới, không nên trộn lẫn gạo nếp (gây đặc và khó ăn vì có gluten), hạt sen, ý dĩ, đậu xanh (dễ gây ngán, khó ăn và khó tiêu).
- Nhóm đạm: Thịt, cá, trứng sữa, tôm, cua… là những loại thực phẩm có chứa nhiều chất đạm. Ở trẻ mới bắt đầu tập ăn bổ sung, nên dùng thịt nạc (như thịt lợn, gà), lòng đỏ trứng gà giàu chất đạm, béo và dễ tiêu hóa. Từ tháng thứ 7, ba mẹ có thể cho bé ăn thịt bò, cá, tôm & cua…. Tháng thứ 8 trở đi bé cần ăn những loại thực phẩm đa dạng hơn.
- Nhóm vitamin và khoáng chất: củ cải, cà rốt, rau ngót, rau dền, cam, chuối, đu đủ…
- Nhóm béo: Ở độ tuổi này, trẻ cần được ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, với tỷ lệ tốt nhất là tỷ lệ 1:1 (ở người trưởng thành tỷ lệ này là 2:1). Nên ăn đa dạng các loại dầu thực vật (gấc, đậu nành, ôliu, mè,…). Riêng dầu gấc, trẻ chỉ nên ăn 1- 2 lần mỗi tuần để tránh vàng da do thừa caroten. Nên cho trẻ ăn lượng dầu/mỡ phù hợp trong các bữa ăn. Khi bắt đầu ăn, mỗi bữa cần cho 2,5ml dầu/mỡ, trẻ 8 tháng trở lên là 5ml, 12 tháng tuổi trở lên là 7,5-10ml/bữa một bữa dầu, một bữa mỡ.
Thực đơn ăn dặm cho trẻ 7-12 tháng tuổi theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng (*)
Tháng tuổi | Loại thức ăn | Số bữa trong ngày | Số lượng mỗi bữa bột/ cháo |
7 – 9 tháng tuổi | Bột, thức ăn thái nhỏ hoặc nghiền | 2 – 3 bữa bột, bú mẹ, nước quả (từ 4 đến 6 thìa) | 2 – 3 thìa khi tập ăn, sau tăng dần ⅔ bát con |
Bú mẹ theo nhu cầu. | |||
10-12 tháng tuổi | Bột, thức ăn thái nhỏ hoặc nghiền | 3 bữa bột, bú mẹ, nước quả (từ 6 đến 8 thìa) | ¾ miệng bát con |
Bú mẹ theo nhu cầu. |
* Đối với trẻ bị viêm phổi, ba mẹ nên cân nhắc tình hình sức khỏe của trẻ để chia nhỏ bữa ăn trong ngày sao cho phù hợp.
Trẻ trên 1 tuổi bị viêm phổi nên ăn uống gì?
Trẻ trên 1 tuổi đã có thể ăn nhiều loại thực phẩm hơn so với giai đoạn dưới 1 tuổi. Lúc này, phụ huynh nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày của trẻ, để con có đầy đủ năng lượng, hệ miễn dịch tốt, đẩy lùi vi khuẩn, virus gây viêm phổi.
1. Nước lọc và nước trái cây
Trẻ bị viêm phổi cần được nghỉ ngơi, ăn thức ăn lỏng và uống nhiều nước. Cung cấp nhiều nước làm loãng đờm, dịu giọng, giúp trẻ dễ khạc đờm hơn. Nhu cầu nước của con người là 2 lít mỗi ngày (gồm nước lọc, sữa, nước trái cây,…). Đối với những trẻ sốt cao cần uống Oresol để bù nước và điện giải.
Một số loại nước ép hoa quả có tác dụng giải độc, tăng cường miễn dịch, cải thiện triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể kể đến như:
Nước ép cà rốt
Cà rốt được biết đến là một loại thực phẩm giàu vitamin & dinh dưỡng, có chất chống oxy hóa, carotene giúp kháng viêm, hỗ trợ trong việc cải thiện tình trạng nhiễm trùng đường thở. Ngoài ra, nước ép cà rốt còn có tác dụng sáng mắt, tốt cho hệ tim mạch.
Cách chế biến nước ép cà rốt: Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ sau đó cho vào máy ép. Rót nước ép cà rốt ra ly, có thể hòa cà rốt cùng nước, đường, sữa để dễ uống hơn.
Nước ép nho
Nho có tính kháng viêm tốt. Đặc biệt, resveratrol có trong nho đỏ và nho tím có tính chống oxy hóa tuyệt vời. Loại quả “thần kỳ” này không chỉ có tác dụng đẩy lùi hiệu quả nhiều căn bệnh về phổi như viêm phổi, mà còn bảo vệ hiệu quả hệ tim mạch. (1)
Cách chế biến nước ép nho: Chuẩn bị khoảng 250g nho, đường và ½ trái chanh. Ngâm nho với nước muối loãng từ 5-10 phút, sau đó rửa sạch với nước rồi để ráo. Chanh cũng rửa sạch với nước rồi cắt đôi, lấy nước cốt chanh. Sau đó cho nho vào máy ép trái cây, rồi cho nước ép ra ly, thêm đường, nước cốt chanh, đá viên khuấy đều là hoàn tất.
Nước chanh dây
Chanh dây là loại quả thơm mát và có chứa nhiều axit amin, giàu vitamin A, C và chất kháng viêm giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi cho người viêm phổi, viêm phế quản. Mặt khác, sử dụng chanh dây với liều lượng phù hợp còn hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa, giúp giấc ngủ ngon hơn.
Cách chế biến nước chanh dây: Rửa sạch chanh dây, tách đôi. Cho chanh dây và đường vào máy ép hoặc máy xay sinh tố, sau đó dùng muỗng múc hỗn hợp vào rây, ép cho nước chanh chảy xuống. Cho nước cốt chanh vào ly và sử dụng.
Nước ép bạc hà & dâu tây
Bạc hà vị the, tính mát có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, hỗ trợ cải thiện các triệu chứng ho kéo dài ở người bệnh viêm đường hô hấp. Tinh dầu bạc hà còn giúp thư giãn cơ trơn đường hô hấp, cải thiện tình trạng khó thở, tắc nghẽn phổi. Để trẻ dễ uống hơn, mẹ có thể xay hỗn hợp bạc hà và dâu tây. Dâu chứa nhiều axit phenolic, axit ascorbic, flavonoid, tannin và phytochemical có lợi khác. Đây là những chất có khả năng tăng miễn dịch và loại bỏ mầm bệnh gây nhiễm trùng phổi.
Cách chế biến nước ép bạc hà & dâu tây: Dâu tây rửa sạch, loại bỏ phần cuống rồi cắt làm 4 phần. Lần lượt cho vào máy xay dâu tây, sữa chua, nước cốt chanh, đường, lá bạc hà và sữa tươi không đường. Xay nhuyễn hỗn hợp, rót ra ly rồi thưởng thức.
2. Ngũ cốc
Người bệnh viêm phổi cần cung cấp năng lượng hàng ngày. Hầu hết nguồn năng lượng đến từ calo carbohydrate. Carbohydrate phức hợp có trong ngũ cốc nguyên hạt cung cấp cho cơ thể trẻ nguồn năng lượng lâu dài. Tuy kẹo, bánh ngọt là những loại thực phẩm có chứa Carbohydrate đơn giản, nhưng lượng calo dư thừa sẽ được cơ thể lưu trữ dưới dạng chất béo, gây tăng cân.
Khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều calo carbohydrate có thể tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường. Nhưng tiêu thụ không đủ khiến cơ thể suy dinh dưỡng và thiếu năng lượng. Do đó, cần đảm bảo người bệnh nhận được lượng calo tối ưu qua thực phẩm hàng ngày.
Không chỉ là nguồn calo carbohydrate dồi dào cho cơ thể, ngũ cốc còn là thực phẩm giàu chất xơ. Hấp thụ nhiều chất xơ giúp phổi hoạt động tốt hơn, giảm các triệu chứng hô hấp và chống viêm.
3. Thực phẩm giàu protein
Protein (hay còn gọi là đạm) là thành phần thiết yếu giúp duy trì, hình thành và tái tạo cơ thể. Thiếu protein sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, dễ mắc bệnh do đề kháng suy giảm.
Protein có vai trò quan trọng trong việc sửa chữa các mô tế bào đã hư, hỏng và sản sinh các mô tế bào mới. Đối với trẻ bị viêm phổi, protein có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể. Trẻ nên ăn các loại thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu. Ba mẹ nên chọn những loại thực phẩm ít béo như thịt gia cầm không da, thịt trắng, các loại đậu. Hạn chế ăn thịt đỏ vì có thể làm gia tăng tình trạng viêm. Quả hạch, các loại đậu và thịt trắng còn có đặc tính kháng viêm.
Các loại đậu, quả hạch nên được nghiền mịn trước khi cho trẻ ăn. Vì đây là những loại thực phẩm cứng có thể làm tổn thương họng của con. Bên cạnh đó, trong thời gian trẻ bị viêm phổi, ba mẹ có thể nấu sữa hạt cho trẻ. Sữa hạt vừa có chứa nhiều nước, vừa chứa nhiều protein cho con.
4. Rau lá xanh
Rau củ quả là nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin giúp bổ sung dinh dưỡng, kháng viêm và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn, trong đó có bệnh viêm phổi. Ngoài ra, vitamin A giúp bảo vệ toàn vẹn niêm mạc đường hô hấp.
Ba mẹ nên chọn các loại rau có lá màu xanh đậm như: rau ngót, cải xoăn, cải bó xôi, rau diếp, rau bina… Để chế biến các loại rau xanh trong bữa ăn hàng ngày của trẻ, giúp trẻ dễ tiêu hóa, ba mẹ có thể xay nhuyễn rau để nấu cháo cho con ăn.
5. Trái cây có múi
Những loại trái cây có múi như bưởi, cam, chanh,… thường giàu vitamin, chất xơ và khoáng chất. Cụ thể, các loại trái cây có múi thường chứa nhiều vitamin B, C và các khoáng chất như kali, chất xơ, carbohydrate rất cần thiết bổ sung vào cơ thể khi bị ho do viêm phổi. Ngoài ra, vitamin còn có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, chống lại sự tấn công của vi khuẩn, virus, giảm các cơn đau, rất họng.
Mặt khác, khi người bệnh viêm phổi ho kéo dài sẽ làm tổn thương phổi, gây đau tức lồng ngực. Trái cây có múi có thể làm sạch tắc nghẽn trong phổi, giúp làm dịu phổi và giảm ho một cách hiệu quả.
6. Sữa chua
Sự kết hợp giữa sữa chua và những thực phẩm giàu chất xơ đã được chứng minh giúp giảm nguy cơ ung thư phổi đến 33%. Đây là kết quả của cuộc nghiên cứu đã được thực hiện trên 1.445.850 người trưởng thành đến từ Mỹ, Châu Á và Châu Âu. Theo đó, cuộc nghiên cứu đã được thực hiện trong vòng 8 năm, các nhà nghiên cứu đã theo dõi tổng cộng 18.882 ca ung thư phổi. Kết quả, những người thường xuyên ăn sữa chua sẽ giảm sự phát triển của ung thư phổi đến 19%, kết hợp ăn sữa chua và thực phẩm chứa nhiều chất xơ giúp giảm nguy cơ ung thư đến 33%.
Không chỉ vậy, sữa chua còn có công dụng ức chế phản ứng viêm. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin – Madison, Hoa Kỳ, lợi khuẩn có trong sữa chua có khả năng kích thích vi khuẩn có lợi trong ruột và ức chế vi khuẩn có hại. Còn theo tiến sĩ Xiao-Ou Shu (Đại học Vanderbilt, Mỹ) cho biết, những người thường xuyên ăn sữa chua có hệ vi sinh đường tiêu hóa khỏe mạnh. Hệ vi sinh đường tiêu hóa có vai trò chính trong việc giảm viêm.
7. Mật ong
Mật ong từ lâu là được biết đến như một món quà của tự nhiên, có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn, là sản phẩm tốt bổ khí tăng lực, kho vitamin và khoáng chất đã hoạt hóa.
Cụ thể, thành phần của mật ong gồm 80% đường chủ yếu là glucose, levulose…Do đó nhiệt lượng của mật ong sản sinh ra là rất cao (100g mật cho 328 – 335 calo) nên là sản phẩm bổ khí và tăng lực rất tốt.
Mật ong còn là khi vitamin và khoáng chất đã hoạt hóa: protid và acid amin, vitamin B1, PP, B6, canxi, magie; các men như galctaza, diastaza, lipaza…; acid hữu cơ như acid malic, acid acetic, acid tactric, acid focmic…
Công năng chủ trị của mật ong là nhuận phế, thông tiện và giải độc. Dùng cho các trường hợp viêm, ho khan, ít đờm, đau do loét dạ dày tá tràng, tắc ngạt mũi, táo bón.
* Lưu ý: Mật ong không nên dùng ở người tỳ vị thấp nhiệt, tức ngực khó chịu, trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong, vì có thể bị ngộ độc bởi vi khuẩn Clostridium botulinum có thể có trong mật ong.
Bé bị viêm phổi kiêng ăn gì?
Bên cạnh những loại thực phẩm nên ăn, trẻ bị viêm phổi kiêng ăn gì?
1. Thực phẩm để lạnh
Trẻ bị viêm phổi cần kiêng ăn những thực phẩm để lạnh, vì khi bệnh nhân ăn những thực phẩm để lạnh sẽ ho nhiều hơn, các nhu mô phổi dễ bị tổn thương hơn.
Không chỉ kiêng ăn đồ ăn, đồ uống để lạnh, trẻ bị viêm phổi nên kiêng cả tắm nước lạnh vì có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bởi trong đường hô hấp trẻ có sẵn rất nhiều vi khuẩn gây hại ký sinh tại đó như phế cầu, não mô cầu, H. influenzae, tụ cầu, liên cầu, vi nấm…là nguyên nhân viêm phổi ở trẻ. Khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, các tác nhân nguy hiểm trú ngụ trong cơ thể sẽ bùng phát thậm chí gây bội nhiễm, đặc biệt nguy hiểm với trẻ bị viêm phổi.
Vì vậy, các bác sĩ lưu ý khi trẻ bị viêm phổi cha mẹ nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, trong phòng kín gió.
2. Thịt chế biến sẵn
Chất bảo quản thịt Nitrat thường có nhiều trong đồ ăn sẵn, thường là đồ hộp. Ăn nhiều thịt chế biến sẵn sẽ khiến các triệu chứng viêm phổi trở nên trầm trọng hơn, thậm chí có nguy cơ gây ra viêm phổi cấp tính, đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, Nitrat còn là nguyên nhân khiến bệnh lâu khỏi.
Do đó, trẻ bị viêm phổi nên kiêng những loại thực phẩm có chứa Nitrat như:
- Thịt chế biến sẵn;
- Thịt xông khói;
- Xúc xích;
- Dăm bông;
- Cá hộp;
- Pa tê.
3. Thực phẩm nhiều muối
Có nhiều người cho rằng, khi mắc bệnh viêm phổi cần hạn chế ăn những loại thực phẩm như bơ, sữa, sữa chua vì khiến đờm đặc hơn, sinh ra nhiều đờm hơn. Thực tế, những loại thực phẩm trên không làm tăng đờm hoặc gây ho, mà chính những loại thực phẩm chứa nhiều muối lại gây ra tình trạng này.
Natri có trong thực phẩm có nhiều muối, thịt và tinh bột là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ho có đờm, ho kéo dài. Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều muối, thịt, tinh bột sẽ giúp giảm triệu chứng bệnh viêm phổi nói riêng và các bệnh về đường hô hấp nói chung.
Cụ thể, trẻ bị viêm phổi nên hạn chế những loại thực phẩm:
- Chứa nhiều muối;
- Thịt lợn, thịt chế biến sẵn;
- Đồ ngọt và các món tráng miệng;
- Các món ăn chiên;
- Các món mỳ, bánh mì trắng;
- Những thực phẩm chế biến sẵn;
- Ngũ cốc tinh chế.
4. Thực phẩm có vị ngọt đậm
Những thực phẩm chứa nhiều đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm của cơ thể. Bên cạnh đó, thực phẩm ngọt còn cản trở hệ thống miễn dịch tiêu diệt các loại vi trùng, vi khuẩn, khiến người bệnh khó hồi phục sức khỏe hơn sau khi bị nhiễm trùng. Trong và sau quá trình điều trị, bệnh nhân viêm phổi cần hạn chế thực phẩm có vị ngọt đậm như kẹo, bánh, nước ngọt,… Nếu muốn ăn ngọt, người bệnh nên đổi sang dùng các loại bánh, kẹo ít đường dành cho người ăn kiêng.
5. Đồ ăn chiên, rán, có nhiều dầu mỡ
Người bệnh viêm phổi thường có khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém hơn những người bình thường, dẫn đến việc cơ thể thường xuyên suy nhược. Do đó, người bệnh viêm phổi cần kiêng ăn những loại thực phẩm như đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, vì chúng không tốt với hệ tiêu hóa, khó tiêu thụ và gây đầy hơi.
6. Hải sản có vảy, mai cứng
Hải sản có vảy, mai cứng như tôm, cua có chứa các chất kích thích niêm mạc họng, gây ho nhiều hơn. Hải sản đông lạnh sẽ khiến người có bệnh phổi dễ tái phát hoặc nặng hơn. Mặt khác, hải sản là loại thực phẩm có tính hàn sẽ sinh ra nhiều đờm trong hệ hô hấp, nếu ăn thường xuyên sẽ kích thích cơ thể tiết đờm và kết dính thành khối gây khó khăn trong việc bài tiết qua phổi, gây tổn thương phổi, khí, phế quản.
7. Đậu phộng, hạt dưa, socola
Đậu phộng, hạt dưa và socola là nhóm thực phẩm chứa nhiều dầu có thể khiến gia tăng lượng đờm khi ăn. Tăng tiết đờm khiến chức năng thông khí của người bệnh suy giảm, gây khó thở, mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh.
8. Đồ uống có ga
Việc ăn và uống các loại thực phẩm ngọt như: nước có ga, bánh ngọt,… khiến lượng đường cao, đặc biệt đường HFCS (high-fructose corn syrup) loại đường có nguồn gốc từ bắp (ngô) và có hàm lượng fructose cao sẽ làm tình trạng viêm phổi không được cải thiện gây tắc nghẽn và khó thở hơn.
Trẻ bị viêm phổi nên ăn gì và kiêng gì là vấn đề cần được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. Ăn uống đúng cách, kết hợp cùng chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ giúp trẻ mau phục hồi sức khỏe, nhanh trở lại cuộc sống bình thường.