Táo bón sau sinh mổ: 7 cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả

Nội dung bài viết hiện

Bị táo bón sau sinh mổ là tình trạng nhiều chị em gặp phải. Vấn đề tế nhị này nếu không xử trí sớm sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và kéo theo nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm. Do đó, các mẹ sau sinh mổ không nên chủ quan.

Một trong những “biến chứng” của sinh mổ là bị táo bón sau sinh, để hạn chế tình trạng này xảy ra cũng như đảm bảo việc điều trị hiệu quả tránh ảnh hưởng sức khỏe mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây của Nutrihome để biết nguyên nhân gây nên, chế độ ăn uống đúng cách cũng như các dấu hiệu S.O.S (khẩn cấp) đi khám bác sĩ…

Táo bón sau sinh mổ là gì?

Tỷ lệ mẹ mổ lấy thai hiện nay khá cao (chiếm khoảng 40 – 50%, theo thống kê tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương) do nhiều nguyên nhân như sức khỏe mẹ và bé không đảm bảo, thai nhi quá lớn… Bên cạnh việc phục hồi sức khỏe chậm hơn so với sinh thường, tỷ lệ mẹ sinh mổ mắc các bệnh lý thường gặp sau sinh, nhất là táo bón cũng cao hơn.

Táo bón sau sinh mổ là tình trạng người mẹ có số lần đi đại tiện dưới 3 lần/ tuần kèm theo các triệu chứng: gặp khó khăn/ đau rát/ thậm chí chảy máu khi đi tiêu do phân lớn – cứng – hoặc vón cục; bụng luôn đầy và căng chướng dù đã đi tiêu… (1)

Táo bón sau sinh là nỗi ám ảnh của nhiều mẹ bởi cơn đau sinh con chưa dứt lại thêm cơn đau do đi đại tiện, chưa kể gặp phải một số phiền toái cũng như những ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ lẫn con do táo bón mang đến. Vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân và phòng tránh hoặc có biện pháp cải thiện tình trạng này rất quan trọng.

táo bón sau sinh mổ

Táo bón sau sinh mổ là tình trạng thường gặp ở các chị em

Nguyên nhân gây táo bón sau sinh mổ

Nếu mẹ sinh mổ và bị mắc táo bón ngay sau khi sinh con hoặc thời gian ngắn sau đó, tình trạng “tồi tệ” này có thể đến từ các nguyên nhân dưới đây:

1. Do biến chứng sẹo ở vùng bụng khi sinh mổ

Để mổ lấy thai, bác sĩ sẽ rạch một đường (dọc hoặc ngang) ở bụng người mẹ để đưa em bé ra ngoài. Vết rạch (sau đó sẽ hình thành mô sẹo) có thể gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và bài tiết của ruột từ đó gây táo bón.

2. Rối loạn chức năng cơ sàn chậu

Ngoài chức năng của ruột bị ảnh hưởng, sinh mổ còn gây ảnh hưởng đến cơ sàn chậu của mẹ sau sinh. Đó là cơ sàn chậu sẽ bị kéo căng (do thai nhi ngày càng lớn làm gia tăng áp lực lên vùng chậu và cả quá trình chuyển dạ sinh con) làm đường di chuyển của phân thu hẹp lại khiến khó ra ngoài dẫn đến táo bón, thậm chí nặng hơn là bệnh trĩ.

3. Táo bón sau sinh mổ vì chế độ dinh dưỡng trước và sau sinh không hợp lý

Chế độ ăn uống trước và sau sinh không lành mạnh, thiếu cân bằng các dưỡng chất, đặc biệt chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày cũng là nguyên nhân khiến mẹ bị bón sau sinh mổ. Vì vậy, để phòng tránh táo bón mẹ bầu và mẹ sau sinh cần lưu ý chế độ ăn khoa học, dinh dưỡng, tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước (khoảng 2 – 2,5 lít/ ngày, tùy nhu cầu).

4. Thay đổi nội tiết tố cũng là nguyên nhân bị táo bón sau sinh mổ

Giai đoạn mang thai và sau sinh, bên cạnh những thay đổi về vóc dáng bên ngoài, nội tiết tố bên trong cơ thể người mẹ cũng có sự thay đổi đáng kể. Chính sự thay đổi này khiến tâm trạng của người mẹ luôn thất thường, cộng với sự căng thẳng do phải chăm sóc bé yêu cả ngày lẫn đêm không có thời gian nghỉ ngơi khiến cuộc sống, thói quen sinh hoạt thường ngày (như đi tiêu) của người mẹ bị đảo lộn. Đây cũng được xem là nguyên nhân sau sinh mổ bị táo bón. (2)

5. Nguyên nhân đến từ chất bổ sung sắt

Sắt là nguyên tố vi lượng cần thiết với mọi người, và rất quan trọng đối với mẹ bầu lẫn mẹ sau sinh. Bổ sung sắt trong thời gian mang thai và sau sinh giúp phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt. Vì vậy, tình trạng sẽ táo bón xảy ra khi mẹ bổ sung sắt trong thời gian dài (điều này làm chậm quá trình di chuyển của phân hơn so với thông thường).

Nguyên nhân gây táo bón sau sinh mổ, sắt

Bổ sung sắt giúp phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến táo bón sau sinh mổ

6. Do ảnh hưởng bởi thuốc gây tê và thuốc gây mê

Sinh mổ, người mẹ sẽ được gây tê (có thể gây tê toàn thân hoặc tủy sống), việc gây tê sẽ giúp mẹ tránh khỏi đau đớn trong cuộc sinh, nhưng lại khiến các cơ quan trong cơ thể bị tê liệt một thời gian ngắn, trong đó có hệ tiêu hóa. Chưa kể, việc sinh mổ cũng khiến các cơ ruột và bụng chưa thể trở về trạng thái bình thường ngay, do đó, mẹ sau sinh có thể gặp phải táo bón (thời gian bị táo bón ngắn hay dài có thể tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và chế độ ăn uống của mẹ).

7. Sử dụng thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh

Sau mổ, để vết thương nhanh lành và tránh bị nhiễm trùng sản phụ sẽ được bác sĩ kê đơn một số thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau. Việc sử dụng các loại thuốc này cũng góp phần dẫn đến táo bón sau sinh do hoạt động của đường ruột bị ảnh hưởng. Và trong một số trường hợp đã ngưng dùng thuốc nhưng tình trạng táo bón vẫn tiếp diễn, có thể kéo dài đến vài tuần để hệ đường ruột cân bằng lại.

8. Nguyên nhân tâm lý, ít vận động làm mẹ sau sinh mổ bị táo bón

Sau 1 ngày mổ lấy thai (hoặc sớm hơn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người mẹ), các sản phụ sẽ được khuyên nên đi lại, vận động nhẹ nhàng để tránh dính ruột đồng thời kích thích nhu động ruột hoạt động tốt hơn tránh bị táo bón sau sinh mổ.

Tuy nhiên nhiều mẹ sinh xong sức khỏe yếu, lại sợ vết thương đau, đứt chỉ gây chảy máu nên có xu hướng nằm trên giường nghỉ ngơi nhiều. Tâm lý lo sợ kết hợp với việc thiếu vận động khiến chức năng của hệ tiêu hóa bị chậm lại, hơn nữa điều này dẫn đến tình trạng tái hấp thu nước trong ruột già xảy ra khiến phân cứng hơn… và vì vậy các mẹ sau sinh mổ dễ bị táo bón.

Vì sao mẹ sinh mổ lại bị táo bón nặng hơn so với mẹ sinh thường?

So với sinh thường, sinh mổ sẽ ít chịu đựng các cơn đau do chuyển dạ hơn, tuy nhiên thời gian xuất viện sẽ lâu hơn (mẹ sinh thường khoảng 3 – 5 ngày, mẹ sinh mổ khoảng 5 – 7 ngày), đồng thời thời gian hồi phục sức khỏe cũng kéo dài hơn.

Hơn nữa, việc mổ lấy thai cũng mang đến cho các mẹ sau sinh nhiều biến chứng sức khỏe, trong đó phổ biến là tình trạng táo bón (thường có xu hướng nặng hơn so với mẹ sinh thường) do nhiều yếu tố tác động như: vết rạch đưa thai nhi ra ngoài ở bụng vừa ảnh hưởng đến chức năng của ruột vừa khiến việc đi lại, vận động khó khăn hay thậm chí đi vệ sinh (do đau đớn); sử dụng thuốc gây tê trong quá trình sinh; thuốc giảm đau và kháng sinh sau sinh (để giảm đau, chống nhiễm trùng vết thương nhanh lành); chế độ ăn uống kiêng khem, thiếu chất xơ (để “chặt” bụng)…

Táo bón ở mẹ sau sinh mổ có nguy hiểm không?

Táo bón là tình trạng thường gặp ở tất cả mọi người nói chung, và ở các mẹ sau sinh mổ nói riêng. Táo bón không gây nguy hiểm sức khỏe, tuy nhiên nếu mẹ sau sinh mổ để táo bón kéo dài, không có biện pháp can thiệp, làm giảm tình trạng sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe.

Nếu táo bón ở mức độ nhẹ sẽ khiến mẹ luôn cảm thấy đầy/ nặng/ bụng luôn căng chướng khó chịu. Trong trường hợp bị bón sau sinh mổ nặng với các dấu hiệu nguy hiểm là: ra máu thường xuyên khi đi ngoài/ hoặc chảy máu nhiều ở trực tràng, có máu lẫn chất nhầy lẫn trong phân, táo bón xen kẽ với tiêu chảy không kiểm soát, bụng luôn đau dữ dội kèm sốt và nôn ói… cần đi khám bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán đúng bệnh và xử trí kịp thời tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. (3)

Cách phòng ngừa và trị táo bón sau sinh mổ thực hiện tại nhà

Như đã nêu trên, táo bón không phải là tình trạng bệnh gây nguy hiểm sức khỏe tức thời ở mẹ sau sinh mổ, tuy nhiên táo bón nếu kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe của cả mẹ và bé yêu. Do đó, ngay từ giai đoạn đầu mắc táo bón các mẹ cần xử trí kịp thời để tránh cảm giác khó chịu khi đi tiêu cũng như các biến chứng sức khỏe xấu.

Theo đó, PGS.TS.BS Lê Bạch Mai cho biết, để trị táo bón sau sinh mổ tại nhà các mẹ cần áp dụng dụng các cách đơn giản dưới đây:

1. Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung chất xơ từ rau, củ, quả

Không chỉ trong thai kỳ mẹ mới cần thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, giàu vitamin – khoáng chất – chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày mà sau sinh mẹ cũng cần chú trọng vấn đề này. Bởi dinh dưỡng khoa học không chỉ giúp mẹ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, tăng chất và lượng sữa cho con bú mà còn giảm/ cải thiện đáng kể táo bón. (4)

Một số loại rau củ quả giàu chất xơ mẹ sau sinh mổ được khuyến khích ăn nhiều, tốt cho hệ tiêu hóa đó là: bông cải xanh, rau chân vịt (rau bina), măng tây, bơ, nho, lê, cam, chuối…

2. Uống nhiều nước giúp phòng ngừa và điều trị táo bón sau sinh mổ

Bên cạnh chế độ ăn uống giàu chất xơ, uống đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày cũng là cách trị táo bón sau sinh mổ hiệu quả. Theo đó, theo khuyến nghị của chuyên gia, mỗi ngày mẹ nên uống từ 2 – 3 lít nước tùy theo nhu cầu (bao gồm nước lọc, nước ép trái cây tươi, sữa, nước canh, súp…) để giúp đi ngoài dễ dàng hơn, cũng như tăng lượng sữa dồi dào cho con bú.

3. Bổ sung lợi khuẩn chữa táo bón sau sinh mổ

Bổ sung lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp đường ruột trở nên khỏe mạnh hơn nhằm “đẩy lùi” các bệnh ở đường tiêu hóa cũng là điều mẹ sau sinh mổ cần ghi nhớ để chống táo bón. Một số gợi ý giúp mẹ bổ sung lợi khuẩn đường ruột là sữa chua, tiêu thụ thức uống prebiotic, ngũ cốc nguyên hạt… Lưu ý, với sữa chua và thức uống prebiotic mẹ không nên sử dụng ngay khi vừa lấy trong tủ lạnh ra, cần để “nguội” một chút.

4. Vận động nhẹ nhàng sau sinh

Cùng với chế độ dinh dưỡng khoa học, uống nhiều nước, bổ sung lợi khuẩn việc vận động nhẹ nhàng (càng sớm càng tốt, khoảng 24 giờ sau sinh) như tập đi và đi bộ quãng ngắn sau sinh, tập các bài tập yoga nhẹ.. cũng được khuyến khích để mang đến hiệu quả trị táo bón tối ưu. Bởi vận động giúp các cơ quan chức năng quan trọng của cơ thể, trong đó có hệ tiêu hóa nhanh phục hồi (nhu động ruột tăng lên). Ngược lại, hạn chế vận động do lo sợ vết mổ bị đục, vết mổ lâu lành… chính là một trong những nguyên nhân chính gây táo bón.

5. Suy nghĩ tích cực, tâm lý thoải mái ngừa táo bón sau sinh

Để phòng ngừa và chống táo bón ở phụ nữ sau sinh mổ, mẹ cần giữ tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ, tích cực, tránh stress và căng thẳng. Lý giải điều này, các chuyên gia cho biết, sự căng thẳng, áp lực của mẹ sau sinh có thể ảnh hưởng tới khả năng co bóp, tiêu hóa thức ăn của dạ dày, khiến chúng hoạt động “chậm chạp” hơn từ đó góp phần dẫn đến táo bón.

6. Cách trị táo bón sau sinh mổ bằng thói quen đi tiêu đều đặn

Vượt qua nỗi sợ đau đớn khi đi tiêu, tập thói quen đi tiêu đều đặn mỗi ngày (nếu được nên vào một khung giờ nhất định, tốt nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy, nhằm mục đích “nhắc nhở” cơ thể cơ thể “đã đến lúc” cần đi tiêu) cũng giúp mẹ cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả. Mẹ cần ghi nhớ, khi đi tiêu không nên rặn quá mạnh. Thay vào đó nên tìm cách để rặn và đi dễ dàng hơn như dùng một chiếc ghế kê chân cao và ngồi trong tư thế ngồi xổm chẳng hạn.

Cách phòng ngừa và trị táo bón sau sinh mổ

Mẹ sau sinh mổ bị táo bón nên tập thói quen đi tiêu đều đặn

7. Dùng thuốc trị táo bón không kê đơn

Trong một số trường hợp cần thiết, mẹ có thể dùng đến các loại thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng không kê đơn để trị táo bón. Nếu mẹ đang dùng các loại thuốc khác, để tránh tương tác thuốc hoặc các tác dụng phụ, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Ăn gì để chữa táo bón sau sinh mổ?

Chế độ dinh dưỡng đúng cách, khoa học là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để trị táo bón sau sinh mổ. Theo đó, mẹ nên bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày của mình các thực phẩm giàu chất xơ, tăng nhu động ruột, tốt cho hệ tiêu hóa sau sinh như sau:

  • Các loại trái cây như chuối, lê, cam, dâu tây, bơ, táo, kiwi, quả mâm xôi, mận… Trong đó, phân tích thành phần quả mận tươi (không bao gồm hạt) có chứa 12g chất xơ không hòa tan lẫn hòa tan. Hơn nữa, trong mận còn chứa chất sorbitol có tác dụng nhuận tràng, kích thích nhu động ruột, tăng tiết dịch làm mềm phân.
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch), các loại đậu (đậu lăng), các loại hạt (hạt lanh), gạo lứt, bánh mì đen… cũng là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời cho cơ thể mẹ sau sinh mổ. Đồng thời, mẹ cần tránh ăn các loại thực phẩm tinh chế bởi chúng thiếu hàm lượng chất xơ và các chất dinh dưỡng nhưng lại chứa muối và đường cao, rất không tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe đường ruột nói riêng.
  • Các loại rau xanh màu xanh đậm như rau chân vịt, bông cải xanh, rau khoai lang, rau cải các loại, mồng tơi, rau đay, rau dền đỏ… vừa bổ sung lượng chất xơ đáng kể cho cơ thể vừa bổ sung sắt giúp mẹ sau sinh phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt.

Ngoài những thực phẩm kể trên, mẹ sau sinh nên tránh ăn các thức ăn cay nóng (tiêu, tỏi, ớt, cà-ri…), thức ăn mặn (thịt kho mặn, cá kho mặn…), thức ăn nhiều dầu mỡ thức ăn nhanh, trà đặc, cà phê…

sau sinh mổ bị táo bón tránh cà phê

Bị táo sau sinh mổ mẹ cần tránh thực phẩm cay nóng, và các thức uống như cà phê.

Sau sinh mổ bị táo bón: Khi nào nên đi khám?

Phụ nữ sau sinh mổ bị táo bón không phải là tình trạng hiếm gặp và gây nguy hiểm sức khỏe tức thời. Hơn nữa, triệu chứng này có thể giảm theo thời gian nếu mẹ ăn uống, vận động, thực hiện lối sống vận động khoa học.

Dù vậy mẹ cũng không nên vì vậy mà chủ quan và… cố gắng chịu đựng thay vì tìm cách điều trị táo bón sau sinh mổ. Bởi nếu bị bón sau sinh mổ kéo dài có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đặc biệt trong trường hợp sau sinh mổ bị táo bón có các triệu chứng: thường xuyên gặp khó khăn khi đi tiêu, chảy máu hậu môn, đi tiêu có lẫn máu và chất nhầy trong phân, bụng đau dữ dội, táo bón xen kẽ với tiêu chảy… cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *