VOV.VN – Cà phê có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng đối với một số người, thức uống này lại gây ra tác dụng phụ. Dưới đây là những nhóm người không nên uống cà phê để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, cải thiện hiệu suất tập luyện và giúp bạn giảm cân, nhưng uống quá nhiều sẽ tàn phá cơ thể.
Chuyên gia dinh dưỡng Annamaria Louloudis cho biết: “Khả năng dung nạp caffeine của mỗi người là khác nhau, vì vậy bạn nên theo dõi các triệu chứng liên quan đến việc dung nạp cà phê”.
Theo chuyên gia Kylie Ivanir, người lớn nên hạn chế lượng caffein tiêu thụ tối đa khoảng 400 mg mỗi ngày, tương đương khoảng 3 – 5 tách cà phê pha. Ngoài ra, bạn nên cân nhắc việc thêm đường, kem và siro vào cà phê vì chúng có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra cảnh báo cho những nhóm người sau đây nên hạn chế hoặc thậm chí tránh uống cà phê hoàn toàn.
Người bị huyết áp cao
Nhà dinh dưỡng Sandy Younan Brikho cảnh báo những người bị huyết áp cao nên ngừng uống cà phê càng sớm càng tốt vì caffeine trong cà phê làm tăng huyết áp.
Một nghiên cứu đã chứng minh sự gia tăng huyết áp liên quan đến tuổi tác ở những người đàn ông uống nhiều cà phê. Trong khi đó, nghiên cứu khác cho thấy uống nhiều cà phê ở những người chuyển hóa cà phê chậm gây tăng huyết áp.
Người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Caffeine làm giãn cơ vòng thực quản dưới – van giữa thực quản và dạ dày, gây kích hoạt các triệu chứng trào ngược axit. Do đó, uống cà phê, trà và soda (tất cả đồ uống có chứa caffein) có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Người bị chứng mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc
Do hàm lượng caffein cao, uống cà phê 6 giờ hoặc ít hơn trước khi đi ngủ có thể làm gián đoạn đến giấc ngủ và tăng chứng mất ngủ. Nếu không thể bỏ hoàn toàn thói quen uống cà phê, bạn nên chuyển sang thời điểm sớm hơn trong ngày và cắt giảm lượng cà phê nạp vào.
Người bị rối loạn lo âu
Uống quá nhiều cà phê cũng dễ gây ra các triệu chứng lo lắng bao gồm tim đập nhanh, run rẩy, đau đầu và mất ngủ. Do đó, nếu bạn thường xuyên trải qua lo lắng hoặc hoảng sợ, bạn cần cân nhắc việc tránh hoặc giảm lượng cà phê có chứa caffein.
Người đang tăng cân
Chuyên gia Younan Brikho giải thích: “Uống cà phê gây ra cảm giác no, dễ khiến bạn bỏ bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ. Một khi cảm giác no này biến mất, dạ dày của bạn trống rỗng và đôi khi sẽ bị đói. Điều này khiến nhiều người có xu hướng ăn nhiều vào bữa ăn tiếp theo vì họ quá đói”.
Phụ nữ bị mất kinh
Một số người uống cà phê thay cho bữa ăn như một cách không lành mạnh để giảm cân và điều này có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Abby Vichill, một dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều cà phê là kinh nguyệt không đều.
Người bị bệnh tim, như loạn nhịp tim
Vì caffein từ cà phê có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời, nên những ai có tiền sử bệnh tim nên nói chuyện với bác sĩ để biết lượng cà phê an toàn mà họ nên uống.
Người đang cho con bú
Caffein là một chất kích thích và lợi tiểu, nên bà mẹ đang cho con bú có thể có nguy cơ bị mất nước.
Hiệp hội Mang thai Mỹ khuyến nghị các mẹ nên tránh caffeine càng nhiều càng tốt trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Người bị tiêu chảy
Một số người lầm tưởng rằng uống một tách cà phê buổi sáng làm cho ruột hoạt động hiệu quả, nhưng tác dụng này sẽ không xảy ra nếu bạn đang bị bệnh tiêu chảy do caffein kích thích đi tiểu nhiều, gây mất nước.
Trẻ em dưới 12 tuổi
Trẻ em uống quá nhiều cà phê có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo âu, khó tập trung và đau bụng. Ở trẻ mới biết đi, cà phê có thể che dấu cảm giác đói, vì vậy trẻ sẽ không nhận được dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của chúng.
Ngoài ra, cà phê có tính axit khá cao, do đó có thể làm hỏng men răng và tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ./.
CTV Lương Trâm/VOV.VN
Theo Eatthis